Archive for October, 2013

Bàn về Hà Đồ và Lạc Thư

1. Hà Đồ
HaDo

HaDoTienThien
Thuyết Âm Dương – Ngũ Hành xuất phát từ Kinh Dịch cổ. Nguồn gốc của thuyết này là từ một mô hình tối cổ về các con số gọi là Hà Đồ. Tương truyền do trời ban cho vua Phục Hy, một ông vua thần thoại của Trung Hoa, cách đây khoảng 4000 năm. Khi Ngài đi tuần thú Phương Nam, qua sông Hoàng Hà, bỗng thấy một con Long Mã hiện lên, trên lưng nó có 55 chấm đen trắng.
Khi về Ngài mới phỏng theo mà vẽ lại thành một bảng ký hiệu 10 số đếm bằng các chấm đen và trắng, xếp thành hai vòng trong và ngoài, theo đúng 4 phương: Nam, Bắc, Đông, Tây. Ở chính giữa là hai số 5 và 10. Ngài gọi là Hà Đồ, tức là bức đồ trên sông Hoàng Hà (chỉ là hình vẽ chứ không có chữ vì sự phát minh thuộc thời chưa có chữ viết).

Hà Đồ có hai vòng trong và ngoài với các con số chỉ bốn phương Đông Tây Nam Bắc: Đông bên trái, Tây bên phải, Nam ở trên và Bắc bên dưới. Số dương/cơ (thiên) gồm các con số lẻ có chấm tròn trắng như số: 1, 3, 5, 7, 9. Cộng được 25 gọi là số trời. Số âm/ngẫu (địa) là các con số chẵn có chấm tròn đen: 2, 4, 6, 8, 10. Cộng lại thành 30 gọi là số đất. Do số âm lớn hơn dương nên từ đó người ta luôn gọi là âm dương chớ không gọi dương âm. Ngoài ra còn được chia thành Số Sinh: 1, 2, 3, 4, 5 và Số Thành: 6, 7, 8, 9, 10.

Các con số chỉ bốn phương: Đông = 3; Tây = 4; Nam = 2, Bắc = 1 và Trung cung = 5.

– Phương Đông: 3 dương + 5 dương = 8 âm (chấm đen).

– Phương Tây: 4 âm + 5 dương = 9 dương (chấm trắng).

– Phương Nam: 2 âm + 5 dương = 7 dương (chấm trắng).

– Phương Bắc: 1 dương + 5 dương = 6 âm (chấm đen).

– Trung ương: 5 dương + 5 dương = 10 âm (chấm đen).

Vì thế nên người ta gọi các số 1, 2, 3, 4, 5 là số sinh và các số 6, 7, 8, 9, 10 là số thành (biến). Tổng cộng là 55.

Tuy nhiên, trong Hà Đồ không phải chỉ có Âm va` Dương, bởi vì chỉ riêng cơ chế Âm Dương thì không đủ giải thích mọi biến thiên phức tạp của vũ trụ. Trong đồ hình còn có cả nội dung tương tác của 10 số đếm, thông qua sự định vị 5 con số đầu tiên là 5 con số Sinh, đại diện cho 5 yếu tố vận động trong vũ trụ, đã được ghi rõ trong bài ca quyết:

Thiên nhất sinh Thủy, Địa lục thành chi.
Địa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi.
Thiên tam sinh Mộc, Địa bát thành chi.
Địa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi.
Thiên ngũ sinh Thổ, Địa thập thành chi.

Nghĩa Là:

Số Trời 1 sinh Thủy, thành số Đất 6.
Số Đất 2 sinh Hỏa, thành số Trời 7.
Số Trời 3 sinh Mộc, thành số Đất 8.
Số Đất 4 sinh Kim, thành số Trời 9.
Số Trời 5 sinh Thổ, thành số Đất 10.

Như vậy Ngũ Hành đã được định cùng với 5 cặp số Sinh Thành ra chúng, có vị trí Tiên Thiên theo đúng các hướng của các cặp số:

1-6: Hành Thủy, phương Bắc.
2-7: Hành Hỏa, phương Nam.
3-8: Hành Mộc, phương Đông.
4-9: Hành Kim, phương Tây.
5-10: Hành Thổ, ở Trung Tâm.
Ngũ Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ khi tương tác lẫn nhau cũng phải theo cơ chế hai chiều đối xứng là Âm và Dương, tức cơ chế Tương Sinh và Tương Khắc. Đây là tinh thần căn bản của thuyết Ngũ Hành. Theo đó cứ hai Hành đứng kề cận nhau thì sinh cho nhau, luân chuyển mãi không ngừng, các Hành cách nhau thì khắc chế nhau, và cứ thế mà luân lưu mãi, biểu thị cho triết lý cao siêu của sự đổi thay, biến dịch của vũ trụ tự nhiên.

Người xưa lý luận rằng, ở phương Bắc có nhiều mưa, lạnh lẽo nên thuộc hành Thủy. Phương Nam nhiều nắng nóng, thuộc hành Hỏa. Phương Đông ấm áp nên cây cối tươi tốt thuộc hành Mộc. Phương Tây mát mẻ hành Kim. Trung ương là đất nuôi dưỡng và cũng là nơi nhận lại tất cả nên nó thuộc hành Thổ. Do đó cặp số 1-6 là biểu thị số sinh và số thành của Thủy; cặp 2-7: Hỏa; cặp 3-8: Mộc và cặp 5-10: Thổ. Nhìn vào các con số trên người ta thấy nó hình thành trục tung Nam-Bắc, trục hoành Đông-Tây.

2. Lạc Thư
LacThu
Tương truyền rằng vua Vũ nhân dịp đi du ngoạn trên sông Lạc Thủy (nhánh của Hoàng Hà) thấy rùa thần nổi lên ban cho kỳ thư trị thủy. Trên mai cụ rùa có nhiều chấm đen trắng, cho là điềm lành nên vua Vũ gọi kỳ thư này là Lạc Thư (hình 9).

Lạc Thư gồm những chấm trắng đen cộng lại thành 45 như sau:

Số dương gồm những chấm trắng: 1, 3, 5, 7, 9 cộng thành 25 (giống Hà Đồ).

Số âm gồm chấm đen: 2, 4, 6, 8 cộng thành 20 (kém hơn Hà Đồ 10).

Biểu tượng cho số dương hay âm của Lạc Thư đều như Hà Đồ, nhưng số có phần khác biệt: Số 5 ở giữa gọi Ngũ trung thuộc hành Thổ; số 3 ở phương Đông (Mộc); số 7 ở phương Tây (Kim); số 9 ở phương Nam (Hỏa); số 1 ở phương Bắc (Thủy). Số 2 ở Tây Nam (Thổ); số 4 ở Đông Nam (Mộc); số 6 ở Tây Bắc (Kim); số 8 ở Đông Bắc (Thổ). Nếu để Lạc Thư chồng lên Hậu thiên Bát quái chúng ta sẽ thấy có sự tương quan chặt chẽ ở các hướng.

Trên hình của Lạc Thư nhìn từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, rồi cộng hàng ngang hay hàng dọc hoặc đường chéo đều bằng 15. Hình vuông này được gọi là ma phương (hình 10). Nó cũng đã được người Tây phương tìm thấy vào thời Trung cổ và sau này được nhà triết và toán học Pythagore công nhận là bản thể của vạn vật trong vũ trụ (vũ trụ luận).

Theo Hà Đồ
* Số 1 là Thiếu dương, là số khởi đầu cho việc sinh ra các số âm dương khác: 1 + 2 = 3; 1 + 3 = 4; 1 + 4 = 5; 1 + 6 = 7…

* Số 2 là Thiếu âm, là số sinh ra các số âm khác:

– Âm + âm = Âm. Như: 2 + 2 = 4; 2 + 4 = 6; 4 + 4 = 8…

* Số 3 là Thái dương do Thiếu dương 1 + Thiếu âm 2.

– Dương + dương = Âm. Như: 1 + 3 = 4; 3 + 3 = 6; 3 + 5 = 8…

* Số 4 là Thái âm do Thiếu dương 1 + Thái dương 3; hoặc hai Thiếu âm 2 + 2.

– Dương biến thành âm: 1 + 1 = 2; 1 + 3 = 4; 1 + 5 = 6; 1 + 7 = 8; 1 + 9 = 10. Dương động.

– Âm thì vẫn hoàn âm: 2 + 2 = 4; 2 + 4 = 6; 4 + 4 = 8; 8 + 2 = 10. Vì bất biến nên người ta bảo là âm tịnh.

Theo Lạc Thư
Số 5 của đất thuộc Thổ, là số để các số âm dương tiếp xúc với nó để biến:

– Lấy số dương: 1, 3, 5, 7, 9 cộng hay trừ 5 đều biến thành số âm, cho thấy dương sinh âm.

– Lấy số âm: 2, 4, 6, 8 cộng hay trừ 5 đều trở thành số dương, cho thấy âm sinh dương.

Nếu bỏ số 5 ở giữa, tổng cộng các số âm và dương đều bằng nhau. Các số dương ở bốn phương chính, các số âm ở bốn hướng phụ.

Xét luận các con số
Các nhà Thuật số xét các con số để luận tốt xấu:

Theo âm dương
Số dương gồm: 1, 3, 5, 7, 9. Số âm gồm: 0, 2, 4, 6, 8, 10.

Nếu các con số thuộc âm hoặc dương quân bình và có chiều hướng đi lên (thuận tiến) thì tốt, nó mang lại sự tốt lành cho người chủ hay người liên hệ. Còn ngược lại dãy số mà âm dương mất quân bình thì xấu và nếu như nó đã mất quân bình vừa đi xuống thì càng xấu hơn. Quân bình là các con số âm và số dương bằng nhau, một âm thì một dương, 2 âm thì 2 dương, tuy nhiên một hay hai số chênh lệch cũng không sao nếu là một chuỗi số. Xấu nhất là những chuỗi số thuần dương hay thuần âm (bất sinh).

Thí dụ:

Số thuần dương: 579, 1357…

Số thuần âm: 046, 6080…

Số âm dương cân bằng và đi lên như: 58, 5689… Tốt.

Số âm dương cân bằng và đi xuống như: 85, 9856… Không được tốt.

Số thuần dương đi lên: 35, 357, 1379… Xấu

Số thuần dương đi xuống 53, 753, 9731… Rất xấu.

Theo ngũ hành
Các nhà Thuật số tính ngũ hành của các con số theo Cửu tinh. Nhất bạch, nhị hắc, tam bích, tứ lục, ngũ hoàng, lục bạch, thất xích, bát bạch và cửu tử nên: Số 1 hành Thủy; số 0, 2, 5 và 8 hành Thổ; số 3 và 4 hành Mộc; số 6 và 7 hành Kim; số 9 hành Hỏa.

Ngũ hành của các con số cần phải tương sinh, hoặc đồng hành với ngũ hành của mạng chủ mới tốt. Còn như hành của mạng chủ bị hành của con số khắc thì xấu. Thường tính số cuối cùng, nếu trong chuỗi số có nhiều số giống nhau thì tính hành của các số đó cho chuỗi số.

– Số có hành là Kim thì tốt cho người mạng Thủy hoặc mạng Kim. Nó gây ảnh hưởng xấu cho người mạng Mộc, làm hao tổn cho người mạng Thổ: 16, 67, 276, 6267…

– Số hành Mộc, tốt cho người mạng Hỏa hoặc mạng Mộc. Nó gây ảnh hưởng xấu cho người mạng Thổ, làm hao tổn cho người mạng Thủy: 23, 34, 434, 9344, 03383…

– Số hành Thủy, tốt cho người mạng Mộc hay mạng Thủy, xấu cho người mạng Hỏa, làm tổn hao cho người mạng Kim: 21, 41, 411, 2581, 10581, 101681…

– Số hành Hỏa, tốt cho người mạng Hỏa hoặc mạng Thổ, xấu cho người mạng Kim, làm hao tổn cho người mạng Mộc: 29, 69, 499, 4389, 20599, 430899,

– Số hành Thổ, tốt cho người mạng Kim hoặc mạng Thổ, xấu cho người mạng Mộc, làm hao tổn cho người mạng Hỏa: 25, 58, 208, 2058, 25082, 802258…

Theo lưu niên vận
Các con số cần phải hợp với số tốt của lưu niên vận mới đặng tốt.

Một tam ngươn có 9 lưu niên vận, mỗi ngươn có 3 vận.

– Thượng ngươn: Vận 1 khởi đầu từ năm Giáp tý 1864 đến 1883. Vận 2 khởi từ năm Giáp Thân 1884-1903. Vận 3 khởi từ năm Giáp Thìn 1904-1923.

– Trung ngươn: Vận 4 khởi từ năm Giáp Tý 1924-1943. Vận 5 khởi từ năm Giáp Thân 1944-1963. Vận 6 khởi từ năm Giáp Thìn 1964-1983.

– Hạ ngươn: Vận 7 khởi từ năm Giáp Tý 1984-2003. Vận 8 khởi từ năm Giáp Thân 2004-2023. Vận 9 khởi từ năm Giáp Thìn 2024-2043. Sau đó bắt đầu lại từ vận 1 của Tam ngươn mới.

Năm 2003 thuộc vận 7 thì số 7 là số vượng khí, nhưng đến 2004 thì số 8 là số vượng khí, số 7 bị lỗi thời trở thành số xấu, mang nhiều bất lợi về mặt tài lộc, thị phi cho những ai gặp nó, nhất là về nữ giới.

Hiện tại đang ở vận 8 (hình 10a), là vận tốt nhất nên được nhiều cát tinh chiếu, phát ra nhiều sự tốt lành cho: Số 2, 8: Vượng khí, rất tốt. Số 1, 3, 4, 6: Sinh khí, tốt. Số 0: Bình, tùy thuộc con số đứng sau nó. Các con số tốt này phải theo chiều hướng đi lên thì mới đạt được sự tốt đẹp nhất.

Không nên dùng đến số 5, 7, 9, vì số 5: Mặc dù có sinh khí nhưng không tốt. Số 7: Đã phát hết khí nên lỗi thời, xấu. Số 9: Bị suy khí, xấu.

Một số người nghĩ rằng chọn các số cộng lại thành số 9 thì sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng họ đâu biết rằng họ đang làm sai nguyên tắc của Thuật số. Họ chọn các số: 009, 225, 117, 252, 711 hay 117… là những số xấu vì có cửu tử, thất xích, ngũ hoàng và các số 1 và 7 là số dương!

Nhìn vào các con số 88, 888 và 8888, nhiều người tưởng rằng càng nhiều số 8 thì càng tốt, nhưng thật ra nó là số thuần âm thiếu số dương nên không tốt. Muốn tốt cần phải có thêm số dương bên cạnh để âm dương hòa hợp và số phải đi lên: 81, 138, 388, 1388. Nếu mệnh chủ hành Thổ hay Kim thì các số này là số tốt đẹp. Nếu mệnh chủ hành Thủy thì nó trở nên xấu. Nếu mệnh chủ hành Hỏa thì không được tốt lành.

Tóm lại
– Những con số tốt đẹp là những con số mà âm dương hòa hợp, tương sinh cho ngũ hành của bản mệnh và được vượng khí trong lưu niên vận.

– Những con số xấu là những con số bị mất quân bình về âm dương, tương khắc với ngũ hành bản mệnh và bị suy khí theo lưu niên vận.

– Cái này không fải bói toán gì đâu nhé, nó là một trong các thuyết cổ của nền văn minh Trung Hoa dùng để giải thích các sự vật hiện tượng biến thiên trong vòng tuần hoàn phức tạo của vũ trụ.

1 Comment